Lời kêu cứu của thuyền viên mắc kẹt trên tàu hàng khô ngoài khơi Trung Quốc

Trích nội dung bức thư được cho là của thuyền viên tàu Knightship (178.978 dwt, đóng 2010), thuộc sở hữu của Seanery Maritime Holdings, tàu treo cờ Liberia này đã bị mắc kẹt và neo ngoài khơi cảng Jingtang ở miền Bắc Trung Quốc suốt 5 tháng qua trong sự leo thang căng thẳng chính trị, thương mại giữa Trung Quốc và Úc:

“….Thuyền viên chúng tôi không khác gì con tin và tù nhân chính trị của những người thuê tàu và chủ hàng. Hợp đồng làm việc thì hết hạn, sức khỏe tinh thần cũng tới cùng cực, chúng tôi còn xa nhà xa gia đình hơn một năm trời…. Mọi người phải ở trên tàu trong thời gian không xác định và chờ đến lúc tàu được dỡ hàng. Chúng tôi không thể tiếp tục chờ đợi và càng không thể giữ im lặng được nữa.”

Ngoài ra theo như bức thư, bên thuê tàu là tập đoàn Glencore đã cùng với chủ hàng cố tình giữ thuyền viên trên tàu với lý do thay thuyền viên không được phép trong khu vực neo đậu. Người viết thư chỉ ra rằng chính quyền Trung Quốc vẫn cho phép thay thuyền viên miễn là tàu di chuyển đến nơi khác, tuy nhiên Glencore và chủ hàng đã “không muốn bỏ ra thêm chi phí nào”. Bên cạnh đó, tại khu vực mà tàu Knightship đang neo đậu, ghi nhận các tàu khác cũng có hoàn cảnh tương tự khi có những thuyền viên mắc kẹt trên tàu đến 20 tháng.

Trong khi đó, cả chủ tàu cũng như thuyền trưởng lại khẳng định rằng bức thư trên không phải là tiếng nói của toàn bộ thuyền viên, mà chỉ là “quan điểm của một người đi biển”. Đồng thờigiám đốc điều hành Seanergy Maritime Holdings – Stamatis Tsantanis cho biết đang thỏa luận với bên cho thuê và bảo hiểm P&I để nhanh chóng tìm ra giải pháp, đồng thời nhấn mạnh quan điểm công ty luôn ưu tiên hàng đầu cho vấn đề sức khỏe của thuyền viên. Người được cho là thuyền trưởng của tàu Knightship cũng tự viết thư nói rằng toàn bộ lương của thuyền viên cũng sẽ được trả gấp đôi.

Được biết, tàu Knightship là một trong số 50 tàu hàng khô bất đắc dĩ phải nằm chờ ngoài khơi Trung Quốc. Trên các tàu này chất đầy số than đá khai thác ở Úc trị giá hơn 500 triệu đô la nhưng bị ngăn dỡ hàng khi Bắc Kinh ban hành một loạt lệnh cấm nhập khẩu từ Úc.

Vốn dĩ mối quan hệ giữa Trung Quốc và Úc đã căng thẳng từ trước, khi đầu năm 2019 Úc ngăn Huawei Technologies xây dựng mạng di động 5G tại quốc gia của mình. Cụ thể, Úc ra lệnh cấm các doanh nghiệp nội địa sử dụng thiết bị từ Trung Quốc để xây dựng hạ tầng mạng 5G khiến nhà mạng TPG Telecom phải ngừng triển khai kế hoạch (sử dụng thiết bị của Huawei). Mối quan ngại không chỉ của chính phủ Úc mà còn nhiều nước phương Tây liên quan đến vấn đề gián điệp thông tin của chính phủ Trung Quốc. Căng thẳng giữa hai quốc gia càng thêm leo thang khi cuối năm dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc. Thủ tướng Úc Scott Morrison cũng ủng hộ đề nghị của Mỹ về việc mở điều tra dịch Covid-19 ở Trung Quốc.

Trung Quốc tất nhiên đáp trả bằng cách hạn chế nhập khẩu nhiều mặt hàng của Úc, như lúa mạch, đường, rượu vang đỏ, quặng đồng, gỗ tròn, tôm hùm, than đá… Theo lời phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian, các nhân viên hải quan đã kiểm tra và phát hiện than đá của Úc có “nhiều trường hợp không đáp ứng tiêu chuẩn môi trường”. Chiến tranh thương mại căng thẳng giữa Trung Quốc và Úc đã nhanh chóng biến thành khủng hoảng nhân đạo đối với thuyền viên trên tàu.

Trước đó hai tuần, Hiệp hội Người đi biển Ấn Độ đã lên tiếng về việc các thuyền viên của tàu Jag Anand (179.300 dwt, đóng 2011) đang ở trên “một nhà tù nổi”. Công đoàn cho biết có 15 thuyền viên đã ở trên tàu ít nhất 16 tháng, trong khi số thuyền viên còn lại ở trên tàu khoảng 13 tháng.

Chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19, ngành vận tải biển phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong việc thay thế thuyền viên để duy trì hoạt động bình thường của tàu và không làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên việc thuyền viên phải làm việc quá hạn hợp đồng, dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe, thể chất và tinh thần. Đây là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng và vi phạm nhân quyền, cần sớm có biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo này để bảo đảm an toàn cho ngành hàng hải nói chung.