Philippines muốn đảm nhận sứ mệnh “thủ đô thay thuyền viên của thế giới”

Bộ trưởng Vận tải Philippines Arthur Tugade phát biểu hôm 24/08 với tham vọng biến quốc gia trở thành trung tâm thay thuyền viên quốc tế. Bằng chứng là ngoài cảng Manila, Philippines huy động tiếp ba cảng nữa là Panila, Capinpin và Subic Bay để đưa thuyền viên nhập và rời tàu. Các cảng khác gồm Cebu, Davao và Batangas sẽ sớm được thông qua nhằm tiếp tục gánh vác sứ mệnh này.

Số liệu cho thấy trong vòng 4 tháng qua, có khoảng 734 tàu cập cảng hoặc neo đậu tại cảng Manila nhằm mục đích thay đổi thuyền viên. Các hãng tàu Nhật Bản đã nhanh chân chọn quốc gia này làm điểm đến, bởi lẽ thuyền viên mang quốc tịch Philippines chiếm đến 75% trong ngành vận tải biển Nhật Bản.

Bắt đầu từ ngày 2/7, chính quyền ở Philippines đã xây dựng Thông tư “Làn đường xanh” đầu tiên, cho phép tàu bè thuyền viên mọi quốc tịch tự do đi lại nhanh chóng và an toàn qua biên giới, miễn là tuân thủ các nguyên tắc y tế hiện hành giữa đại dịch Covid-19.

Đơn cử như thuyền viên muốn nhập/rời tàu trước hết phải xác nhận danh tính, xét nghiệm Covid-19, nộp các giấy tờ yêu cầu, tuân thủ các quy định nghiêm ngặt, trang bị thiết bị bảo hộ cá nhân (như khẩu trang, găng tay) và tránh tiếp xúc gần/không cần thiết với những người xung quanh thậm chí là với các thuyền viên khác, đặc biệt là tránh những người không khỏe hoặc có biểu hiện bệnh Covid-19 (như ho, sốt… ) từ lúc bắt đầu di chuyển cho đến thời điểm nhập/rời tàu.

Ngày 9/7 sau đó, tại Hội nghị thượng đỉnh hàng hải quốc tế về thay đổi thuyền viên do Anh tổ chức, có 13 quốc gia đồng ý quan điểm “Thuyền viên là lao động chính”. Các nước thống nhất cần có biện pháp quốc tế mới nhằm mở cửa biên giới nước ngoài cho thuyền viên cũng như tăng cường các chuyến bay thương mại để xúc tiến việc hồi hương. Đây là giải pháp toàn cầu nhằm khắc phục tình trạng bế tắc trong vấn đề đi lại. Tuy nhiên, tình hình hiện tại vẫn không khả quan hơn là bao khi vẫn có gần nửa triệu thuyền viên bị mắc kẹt khắp nơi trên thế giới.

Nhìn chung, thông tư “Làn đường xanh” vừa là giải pháp cấp bách vừa giúp Philippines mở cửa giao lưu đồng thời kích thích nền kinh tế như phát triển ngành công nghiệp hàng hải và thúc đẩy ngành dịch vụ khách sạn của quốc gia này. Bên cạnh đó, động thái trên nhằm kêu gọi các quốc gia khác sớm thống nhất giao thức di chuyển mới nhằm tránh hậu quả nặng nề thêm đối với chuỗi cung ứng toàn cầu phụ thuộc nhiều vào việc vận chuyển hàng hóa bằng tàu biển.

(lược dịch bởi Pioneer Shipbrokers)