Theo bảng xếp hạng mới nhất, đội tàu thuộc sở hữu của Trung Quốc đã lên đến 249,2 triệu Gross Tonnage (GT), trong khi Hy Lạp là 249 triệu GT. Ba vị trí còn lại trong top 5 lần lượt là Nhật Bản (181 triệu GT), Hàn Quốc (66 triệu GT) và Mỹ (66 triệu GT).
Đội tàu thuộc sở hữu của Trung Quốc đã gia tăng mạnh mẽ kể từ năm 2015 nhờ đầu tư vào mảng tàu hàng rời và tàu container, lần lượt chiếm 24% và 16% so với đội tàu toàn cầu. Các công ty sở hữu tàu lớn nhất Trung Quốc là China COSCO và China Merchants (đều là công ty nhà nước).
Ngược lại, Hy Lạp đã tụt xuống vị trí thứ hai sau một thập kỷ dẫn đầu danh sách GT của thế giới. Tuy nhiên, riêng đối với tàu chở dầu và tàu chở khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) thì Hy Lạp vẫn dẫn đầu về trọng tải toàn phần (deadweight) và đồng thời chiếm thị phần hàng đầu.
Bên cạnh đẩy mạnh hoạt động mua bán tàu đã qua sử dụng, Trung Quốc cũng hoạt động tích cực hơn trên thị trường tàu đóng mới – hiện tại số lượng đặt đóng mới gần gấp đôi so với chủ tàu Hy Lạp. Một nguyên nhân khác là do khối lượng hàng hóa ngày càng tăng cao, các nhà máy đóng tàu mở rộng quy mô và sự hỗ trợ tài chính mạnh mẽ, v/v… góp phần đưa Trung Quốc trở thành cường quốc số 1 thế giới về vận tải biển.
Trong những năm 2000, Nhật Bản là chủ tàu lớn nhất thế giới. Năm 2013 Hy Lạp bước lên vị trí này. Năm 2018, đội tàu của Trung Quốc đã vượt Nhật Bản, ngày một bám sát vị trí đầu bảng của Hy Lạp và đến nay thì chính thức soán ngôi. Như vậy, những vị trí này sẽ tiếp tục biến động trong tương lai gần khi thị trường ngày càng có nhiều sự thay đổi phức tạp về mặt thương mại (liên quan yếu tố địa chính trị) cũng như công nghệ trung hòa khí thải carbon để phù hợp quy định của IMO.
(tổng hợp và lược dịch bởi Pioneer Shipbrokers)