Mỹ chính thức cấm vận nhập khẩu nhiên liệu và năng lượng của Nga

Hôm qua 8/3, tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức công bố lệnh cấm nhập khẩu xăng dầu và năng lượng khác của Nga nhằm trả đũa cuộc xâm lược Ukraine. Sau công bố này, giá dầu thô Brent đã vọt lên mức 129,91 đô la Mỹ/thùng. Giá dầu đã tăng 30% kể từ khi Nga tấn công Ukraina (24/02/2022) và gấp đôi so với tháng 12/2021.

Theo số liệu năm 2021, Mỹ nhập khẩu trung bình hơn 20,4 triệu thùng sản phẩm dầu thô và dầu tinh chế mỗi tháng từ Nga, đồng thời Mỹ cũng nhập khẩu số lượng than đáng kể. Lệnh cấm này dự kiến sẽ khiến giá xăng dầu ngày một leo thang kéo theo nguy cơ lạm phát. Tuy nhiên, tổng thống Biden cam kết sẽ nỗ lực để giảm thiểu tác động này đến người dân Mỹ đồng thời cảnh báo các doanh nghiệp năng lượng trong nước không nên lợi dùng tình hình để trục lợi.

Cùng lúc, nước Anh cũng tuyên bố sẽ loại bỏ dần và ngừng nhập khẩu dầu và các sản phẩm dầu của Nga vào cuối năm 2022. Với 8% nhu cầu nhập khẩu từ Nga, nước Anh cần tạo điều kiện và thời gian để thị trường, doanh nghiệp, chuỗi cung ứng tìm giải pháp thay thế. Liên minh châu Âu cũng công bố kế hoạch cắt giảm 2/3 sự phụ thuộc vào khí đốt Nga trong năm 2022 và chấm dứt phụ thuộc hoàn toàn “trước năm 2030”.

Các nước phương Tây đồng loạt sử dụng biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhằm cô lập Nga và tạo sức ép để kết thúc chiến tranh càng sớm càng tốt. Nhiều chuyên gia dự đoán, việc bài trừ Nga khỏi hệ thống thương mại toàn cầu sẽ tác động nặng nề đến nhiều ngành công nghiệp và tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an ninh lương thực toàn cầu về lâu dài. Không chỉ năng lượng, mà giá cả nguyên liệu thô và thực phẩm hiện nay đều tăng vọt. Đồng thời, lệnh cấm vận đối với dầu và khí đốt Nga cũng sẽ trở thành phanh cản sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Giải pháp trước mắt của các quốc gia là đàm phán gỡ bỏ trừng phạt đối với các quốc gia có nguồn dầu mỏ khác đang chịu cấm vận như Iran, Venezula... Mặt khác cần tập trung hơn vào năng lượng tái tạo để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, việc đột ngột cắt đứt mối liên kết nguồn cung quá lớn từ Nga khiến các nước đều gặp khó khăn trong việc tìm giải pháp ổn về trung hạn, dài hạn.

(Tổng hợp, lược dịch và bổ sung thông tin: Pioneer Shipbrokers)