Xung đột ngày một leo thang giữa Israel và Iran cùng các đồng minh
đang đẩy Trung Đông đến bờ vực. Bất kể các nỗ lực kêu gọi ngoại giao
giảm căng thẳng, nhưng với mâu thuẫn bện rễ phức tạp dấy lên mối quan
ngại về một cuộc chiến có thể xảy ra lập tức tác động đến cước thê tàu.
Cước thuê tàu định hạn ngày 7/10 so với ngày 2/10: Suezmax tăng lên đến
gần 27%, tương đương 37.249 đô la Mỹ, trong khi giá cước thuê Aframax
tăng 25%, tương tương 43.021 đô la Mỹ/ngày. Nếu lùi về ngày 30/9 thì
hiện tại cước thuê tàu định hạn Suezmax và Aframax đã tăng đột biến lần
lượt 61% và 102%. Tuy vậy, cước thuê tàu VLCC chỉ tăng nhẹ, cụ thể các
hợp đồng thuê tàu VLCC chỉ ở mức tăng nhẹ từ 35.119 đô la Mỹ/ ngày lên
37.087 đô la Mỹ/ngày (tương ứng tăng 5%, ghi nhận ngày 2/10/2024). Đơn
cử hai tàu VLCC New Vista (297.250 dwt, đóng 2011) và Alterego (300. 000
dwt, đóng 2022) được chốt chạy Trung Quốc cuối tháng 10 với cước thuê
lần lượt là 40.246 đô la Mỹ/ngày và 38.542 đô la Mỹ/ngày.
Lại nói
đến việc nếu chiến tranh toàn diện tại Trung Đông nổ ra, những chuỗi
ngày đầu hỗn loạn và tranh giành dầu mỏ là không thể tránh khỏi. Trường
hợp xấu là Iran trả đũa bằng cách dùng át chủ bài để gây sức ép với
Isreal và phương Tây: phong tỏa eo biển Hormuz (nối Vịnh Ba Tư với biển
Oman - tuyến đường vận chuyển của gần 35% sản lượng dầu toàn cầu và
khoảng 20% sản lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), là vị trí hàng hải
chiến lược của Trung Đông và thế giới). Khi đó, nguy cơ gián đoạn nguồn
cung dầu sẽ thành hiện thực. Hiện nay, Iran sản xuất trung bình gần 4
triệu thùng dầu/ngày, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc 2 triệu thùng
dầu/ngày. Theo đó, OPEC và các đồng minh cần có biện pháp bù đắp số
lượng thiếu hụt này – giả sử có thể thực hiện tương đối dễ dàng nhưng
vấn đề không chỉ đơn giản như vậy. Việc thay đổi tuyến đường sẽ gia tăng
tình trạng tắc nghẽn và làm chi phí tàu, bảo hiểm tăng vọt, tạo sức ép
lên hàng hóa, tiềm ẩn rủi ro lạm phát. Trong viễn cảnh đó, giá dầu thô
được dự báo sẽ tăng nhanh chóng, dự báo ở mức trên 150-200 đô la
Mỹ/thùng. Đáng chú ý vào thời điểm chiến tranh Nga-Ukraine bùng phát
cuối tháng 2/2022, giá dầu thô vượt trên 100 đô la Mỹ/thùng, như vậy các
chuyên gia đánh giá mức độ chiến tranh toàn diện tại Trung Đông nghiêm
trọng hơn nhiều (giá dầu thô vào thời điểm bài viết này khoảng 80 đô la
Mỹ/thùng). Đấy là chưa bàn đến thảm họa môi trường nếu chiến tranh làm
đắm thuyền, tràn dầu (ảnh hưởng hệ sinh thái biển và môi trường xung
quanh)
Măt khác, nếu xét yếu tố tích cực thì viễn cảnh trên có
thể không xảy ra vì chính Iran cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Các căng thẳng
Trung Đông hiện tại có thể thúc đẩy ngành vận tải biển hơn nữa. Các
lệnh trừng phạt nghiêm ngặt đối với Iran có thể làm gia tăng nhu cầu đối
với các tàu chở dầu khác cũng như tạo cơ hội cho các tuyến vận chuyển
mới.
Tóm lại, dẫu ngành vận tải biển đã có được nhiều bài học từ
chiến tranh Nga-Ukraine hay chiến sự tại Biển Đỏ, song nếu chiến tranh
toàn diện tại Trung Đông nổ ra thì bất lợi và thử thách đối với thị
trường dầu mỏ chắc chắn sẽ giáng đòn nặng nề lên nền kinh tế toàn cầu và
mọi thứ sẽ càng khó lường hơn.
(Tổng hợp và lược dịch bởi Pioneer Shipbrokers)